Raytheon, một công ty quốc phòng của Mỹ chuyên sản xuất các loại vũ khí tối tân, đang phát triển một hệ thống cảnh báo bằng âm thanh mới có thể giúp cho người phi công biết được mối đe dọa (tên lửa hay rocket) đang bay đến từ hướng nào, thay vì chỉ nhận được một cảnh báo đơn điệu trên màn hình như hiện nay. Ngoài ra hệ thống âm thanh 3D mới còn giúp người ta có thể dễ dàng phân biệt được các kênh âm thanh khác nhau theo ý muốn thay vì phải nghe theo kiểu hỗn tạp.
Ví dụ, khi có tên lửa đang bay nhắm vào mình từ phía cánh trái của máy bay thì người phi công sẽ được cảnh báo bằng âm thanh ở phía bên tai trái. Thông thường khi phát hiện thấy có mối đe dọa từ xa, hệ thống cảnh báo trên máy bay sẽ phát ra âm thanh cảnh báo và phi công hay có xu hướng hướng mặt về phía bàn điều khiển, nơi phát ra hình ảnh và âm thanh, trong khi đó họ đáng lý ra phải hướng mắt về phía tên lửa đang bay tới mới đúng. Do đó hệ thống âm thanh nổi stereo 3D của Raytheon sẽ giải quyết được nhược điểm này, mối đe dọa bay tới từ hướng nào thì âm thanh cũng sẽ phát ra từ hướng đó.
Chưa hết, hệ thống còn có thể thay đổi hướng phát âm thanh tùy vào vị trí của đầu phi công, nếu người phi công quay đầu sang phía mối đe dọa đó thì âm thanh sẽ chuyển sang hướng trước mặt, yếu tố này giúp cho phi công luôn biết được mối đe dọa đang tiến đến mình từ hướng nào trong mọi tình huống.
Một ưu điểm khác của công nghệ mà Raytheon đem tới đó là người ta có thể tách các kênh bộ đàm khác nhau và đặt nó ở các vị trí khác nhau trong âm thanh. Đối với một phi công, họ có thể phải tiếp nhận và xử lý nhiều nguồn âm thanh khác nhau, ví dụ âm thanh bộ đàm của phi công phụ, âm thanh của hành khách, bộ chỉ huy... Raytheon giúp họ có thể thiết lập mỗi một kênh âm thanh đó nằm ở một chỗ khác nhau, ví dụ như lái phụ nói thì âm thanh sẽ phát ra bên tai phải, hành khách thì phát ra từ phía sau, của trung tâm chỉ huy thì phía ra từ phía trên... Như thế mặc dù các âm thanh đó có phát ra đồng loạt thì phi công vẫn có thể phân biệt được.
Được biết hệ thống Audio 3D này chỉ là một phần trong một hệ thống lớn hơn do Raytheon phát triển. Trong đó có thêm một số công nghệ khác ví dụ như cung cấp cho phi công một chế độ nhìn "Glass Ball", cho phép nhìn ra tổng thể xung quanh chiếc máy bay của mình giống như đang đặt trong một quả cầu thủy tinh, từ đó theo dõi được trạng thái của máy bay theo thời gian thực. Ngoài ra còn có một chiếc máy tính đeo trên người mang tên Aviation Warrior, giúp người lái có thể tiếp tục theo dõi máy bay mà không cần phải ngồi ở vị trí lái chính.
Theo Gizmag