Nhiếp ảnh tái hiện câu chuyện hiện thực? Bàn luận thêm qua collage ảnh của David Hockney

blueJune
26/11/2020 9:3Phản hồi: 3
Nhiếp ảnh tái hiện câu chuyện hiện thực? Bàn luận thêm qua collage ảnh của David Hockney
Nhiều người cho rằng nhiếp ảnh là công cụ giúp chúng ta nhìn nhận về thế giới, tiếp thu thông tin về con người và sự vật, sự việc một cách xác thực thông qua hình ảnh. Nhận định này không sai nhưng chỉ là góc nhỏ nói lên phần nào về nhiếp ảnh. Chúng ta hãy xem thêm một vài ý kiến, quan niệm để có cái nhìn sâu hơn về ảnh chụp - phương tiện được sử dụng rộng rãi với đa dạng mục đích, đặc biệt với sự phát triển của mạng xã hội hiện giờ. Theo đó là tác phẩm collage ảnh của David Hockney như một dẫn chứng thể hiện quan điểm của ông về khái niệm này.

Theo John Szarkowski, một nhiếp ảnh gia, giám tuyển, sử gia và nhà phê bình người Mỹ, phát minh về nhiếp ảnh đã đem lại một quy trình sáng tạo hình ảnh hoàn toàn mới - một quy trình không dựa trên sự tổng hợp mà dựa trên sự lựa chọn. So sánh với hội họa, một bức tranh là bản ghi cá nhân dựa trên khám phá của họa sĩ về một sự kiện thông qua quan sát, ghi nhớ và tưởng tượng. Nhưng ảnh chụp, nó đã bị “lấy đi”. Nhiếp ảnh truyền thống đã làm sai lệch cái bao hàm tự nhiên của sự kiện trong ảnh vì nó được chỉnh sửa theo cách người chụp tiếp nhận thế giới. Một bức tranh là sự đào sâu nghiên cứu, trong khi đó, ảnh chụp chỉ có thể ghi lại những gì xảy ra ngay lúc đó khi nó chưa kịp nhận thức đủ. Người chụp đã tách biệt khung hình đó ra khỏi một sự kiện.

Có lẽ khái niệm “khoảnh khắc quyết định” của nhiếp ảnh gia Henri Cartier-Bresson đã bị hiểu nhầm. Sự việc xảy ra vào khoảnh khắc quyết định ấy không phải là một cao trào kịch tính mà là cao trào về mặt thị giác. Kết quả chúng ta có được không phải là một câu chuyện, nó chỉ là một bức ảnh mà thôi. Mặc dù ảnh chụp có thể thuyết phục và không gây nhiều tranh cãi, chúng ta vẫn nên hiểu chúng là một thứ gì khác hơn là thực tế mà chúng vốn là.

Szarkowski đã lấy ví dụ để làm rõ hơn quan điểm trên của mình qua việc chọn khung hình khi chụp ảnh. Nhiếp ảnh gia có thể chọn chụp tập trung hai người, tách biệt họ ra khỏi đám đông họ đang đứng, thiết lập một mối quan hệ chưa từng tồn tại trước đó giữa hai chủ thể. Hoặc, để nói về chi tiết trong một bức hình, có những điều ta tưởng chừng tầm thường, không bao giờ để ý đến nhưng khi thấy chúng xuất hiện trong ảnh chụp, nhiếp ảnh gia gợi ý rằng trước đây, đối tượng chưa bao giờ được nhìn thấy một cách chính xác. Thực tế, có lẽ chúng không hề tầm thường mà lại chứa đựng những ý nghĩa chưa từng được khám phá. Ở đây, chúng ta không nên xem ảnh như những câu chuyện, hãy xem chúng là những biểu tượng.

Clive Scott, giáo sư về văn học châu Âu tại đại học East Anglia của Anh, đã chỉ ra trong cuốn sách Spoken Image: Photography and Language (1999) rằng, khi chụp ảnh, chúng ta đã giao mình cho chiếc máy ảnh, bị sở hữu bởi nó và kết quả là chúng ta có những tấm hình tập trung vào việc yêu, ghét bản thân, sự xa lánh của chúng ta với những hình ảnh quá khứ về chính bản thân mình. Chiếc máy ảnh đã yều cầu chúng ta trao cho nó một sự liên kết và điều khiển bản thân mà trước đây chúng ta chưa từng có, đưa ra một củng cố mới về vai trò và khuôn mẫu.


Thực ra, chúng ta không hề hứng thú với sự tái lập chính xác về chuyển động mà ảnh chụp đem lại. Chúng ta chỉ quan tâm tới những chuyển động đem lại cho bản thân ta những cảm giác, những kí ức vẫn luôn sống động trong nhận thức của mình. Đây là lý do tại sao thật khó để bạn xem bất cứ một tác phẩm nào với sự vô ngã.

David Hockney, một trong những nghệ sĩ thị giác người Anh có tầm ảnh hưởng nhất trong thế kỉ 20, đã thực hiện một series ảnh chụp polaroid và collage ảnh. Ông đã sử dụng góc nhìn lập thể, một cách tiếp cận phổ biến trong hội họa của Pablo Picasso, để thể hiện góc nhìn liên tục thay đổi khi mắt di chuyển xung quanh ảnh. Ông đã gỡ bỏ các hạn chế của nhiếp ảnh để thể hiện quan điểm của mình. Bằng cách miêu tả nhiều góc độ của cùng một vật thể, Hockney kích thích người xem tưởng tượng, di chuyển qua các không gian để trải nghiệm vật thể đó trong một khoảng thời gian dài hơn.

dhphoto9.jpg
David Hockney | Pearlblossom Hwy., 11-18/4/1986

dhphoto4.jpg
David Hockney | Jerry Diving Sunday, 28/2/1982

Theo Hockney, nhiếp ảnh không thể nắm bắt thời gian, chỉ có thể nhìn từ một điểm nhìn duy nhất và tốt nhất nó chỉ nên dành cho việc tái tạo cơ học. Giống như các bức tranh của ông, collage ảnh này vui tươi, sống động và đầy tính thử nghiệm. Ông nêu bật tầm quan trọng của một tâm hồn cởi mở, cố gắng nhìn vạn vật từ một góc khác.

Tác phẩm của ông là minh chứng cho việc chúng ta không thể nhìn một tấm ảnh ở một góc nhìn duy nhất, nó không thể kể một câu chuyện xác thực hay toàn vẹn. Nó mang trong đó chủ ý, ý tưởng riêng, một liên kết nhất định giữa ảnh chụp và người chụp. Nhiếp ảnh gia hoàn toàn có thể tạo ra một câu chuyện mới từ sự kiện thực đang tồn tại và tách biệt hoàn toàn với sự kiện ấy. Và đối với người xem, họ cũng có thể đón nhận câu chuyện ấy bằng một tâm thế khác, dựa vào những trải nghiệm cá nhân.

Quảng cáo



Vậy nhiếp ảnh có tái hiện câu chuyện hiện thực như nhiều người vẫn nghĩ? Câu hỏi này sẽ do mọi người tự nhận định mỗi khi xem một tác phẩm ảnh.

Tham khảo The Week, Spoken Image: Photography and Language, Introduction to the photographer's eye (John Szarkowski)
3 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

anhtuannd
TÍCH CỰC
3 năm
Mình không thích ảnh collage lắm, tuy nhiên đấy là lựa chọn của mỗi người 😁
Đẹp
reaper911
TÍCH CỰC
3 năm
Đọc nội dung trên thiệt sự khó hiểu. Do lời văn của mod hay là do mod dịch mình cũng không rõ. Vd VÔ NGÃ : không hiểu từ này 😔((

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019