Trong mắt mình, Project Q không khác gì việc Sony cưa một cái tay cầm DualSense làm đôi, rồi nhét vào giữa một cái màn hình 8 inch, 1080p, 60Hz để anh em chơi điện tử cả. Chiếc máy handheld vừa được giới thiệu tại PlayStation Showcase được Sony tạo ra để anh em đã có sẵn PS4 và PS5 ở nhà có thể chơi game mọi lúc mọi nơi, stream dữ liệu xử lý từ máy console vào máy di động thông qua kết nối WiFi.
Khẳng định nhanh, nếu Sony không thay đổi quan điểm, Project Q sẽ thất bại thê thảm về mặt doanh số.
Lần gần nhất Sony có máy handheld là 2011, với chiếc PS Vita. Nó không hề yếu, cũng chẳng thiếu game hay: Uncharted: Golden Abyss, Killzone: Mercenary, Persona 4 Golden, Spelunky… Nhưng thất bại của PS Vita, hay của chính bản thân Nintendo 3DS khi ấy là nó ra mắt cùng thời điểm game di động đang bùng nổ. Khi iPhone 3GS và iPhone 4 ra mắt, những game đơn giản nhẹ nhàng như Angry Birds, Cut The Rope hay Fruit Ninja là quá đủ để phục vụ nhu cầu giải trí mọi lúc mọi nơi.
Khẳng định nhanh, nếu Sony không thay đổi quan điểm, Project Q sẽ thất bại thê thảm về mặt doanh số.
Lần gần nhất Sony có máy handheld là 2011, với chiếc PS Vita. Nó không hề yếu, cũng chẳng thiếu game hay: Uncharted: Golden Abyss, Killzone: Mercenary, Persona 4 Golden, Spelunky… Nhưng thất bại của PS Vita, hay của chính bản thân Nintendo 3DS khi ấy là nó ra mắt cùng thời điểm game di động đang bùng nổ. Khi iPhone 3GS và iPhone 4 ra mắt, những game đơn giản nhẹ nhàng như Angry Birds, Cut The Rope hay Fruit Ninja là quá đủ để phục vụ nhu cầu giải trí mọi lúc mọi nơi.
Vậy là chẳng ai cần cùng lúc sở hữu cho mình một cái smartphone và một chiếc máy game handheld nữa, khi smartphone thừa đủ khả năng thực hiện công việc của cả hai.
Tua nhanh tới năm 2023, giờ chúng ta lại đang có xu hướng ngược lại hoàn toàn so với một thập kỷ trước. Xu hướng ấy lại hoàn toàn có thể quy về cụm từ “content is king - nội dung là vua”. Nếu có game đủ hay, đủ xuất sắc, đó sẽ là những thứ khiến các hãng game và các hãng làm phần cứng lôi kéo và giữ chân khách hàng của họ.
Năm 2016, Nintendo Switch ra đời và chứng minh xu hướng ấy là hoàn toàn chính xác. Dựa trên những nền tảng của Wii U, hệ máy bị coi là thất bại của Nintendo, Switch nâng cấp toàn diện về mặt trải nghiệm người dùng. Ngay cả trên máy bay, vẫn có thể chơi game đỉnh, đã thế còn có thể tháo hai chiếc JoyCon để chơi game cùng nhau nữa.
Sự ra mắt của Project Q chứng minh rõ ràng rằng Sony, hay bất kỳ hãng nào khác như Valve và Asus ở thời điểm hiện tại, họ đều nhận ra xu hướng chơi game mọi lúc mọi nơi, đón đầu sự phổ biến của những dịch vụ cloud gaming sẽ là tương lai của ngành game.
Với những thiết bị như vậy, nhu cầu thưởng thức game mọi lúc mọi nơi, trò nào cũng chơi được, không bị bó buộc về giới hạn phần cứng, càng không phải ngồi lỳ trước màn hình máy tính hoặc màn hình TV đã trở thành hiện thực.
Đọc thêm: https://tinhte.vn/thread/nhin-thi-truong-pc-handheld-bung-no-moi-nhan-ra-nintendo-da-dung-may-nam-nay.3669271/
Nhìn thị trường PC handheld bùng nổ mới nhận ra, Nintendo đã đúng mấy năm nay
Có lẽ tuần trước, thiết bị công nghệ được nhắc tới nhiều nhất tại Việt Nam chính là chiếc handheld PC Asus ROG Ally. Kết hợp phần cứng với sức mạnh ngang ngửa chiếc PS4 Pro vào trong một cái form factor nhỏ gọn đủ bỏ vào ba lô mang đi khắp mọi nơi…
tinhte.vn
Nhưng cùng lúc, Sony lại đang dè dặt, hay đúng hơn là có phần thủ cựu trong việc đón đầu xu thế.
Quảng cáo
Điều kỳ lạ ở đây là, ngay trước thềm sự kiện PlayStation Showcase diễn ra, Sony có chia sẻ những con số cũng như định hướng kinh doanh trong tương lai. Bên cạnh việc ra mắt thêm nhiều tác phẩm game as a service dài hơi dạng game online phục vụ cả PS5 lẫn PC, Sony cũng muốn đánh mạnh vào mảng cloud gaming, thứ được định hình là tương lai của ngành game.
Ấy vậy nhưng khi giới thiệu Project Q, Sony lại chỉ mô tả chiếc máy với đầy đủ những tính năng xuất sắc được khen ngợi trên tay cầm DualSense này là… một thiết bị dùng để chơi Remote Play những trò chơi của PS4 và PS5. Để chơi được game với Project Q, anh em phải có máy PS4 hoặc PS5 để ở nhà, phải cài game vào máy, để thông qua kết nối WiFi, hình ảnh game sẽ được truyền tới chiếc máy, và lệnh điều khiển nhân vật từ Project Q sẽ được gửi về console để xử lý.
Nói cách khác, những gì Sony mô tả Project Q khiến cộng đồng gamer coi chiếc máy này không khác gì một món phụ kiện không hơn không kém. Ai nhiều tiền mua về chơi điện tử cũng ổn, nếu không có cũng không sao. Dựa vào những gì Sony nói về Project Q, nói thẳng ra, đây là một sản phẩm, một giải pháp cho một vấn đề không tồn tại.
Bây giờ phần mềm Remote Play đã có trên hầu hết mọi HĐH phổ biến. Remote Play trên iOS có, Windows có, macOS có, Android cũng có luôn. Chưa kể nếu muốn, kết nối luôn tay cầm DualSense bằng Bluetooth vào điện thoại hoặc laptop, là mọi lợi thế của Project Q, bao gồm haptic feedback và adaptive trigger đều sẽ biến mất.
Cũng là định hướng cloud gaming, vấn đề của Sony bây giờ là họ đang có trong tay một giải pháp hoàn hảo để làm cầu nối từ thế giới console, với những thiết bị xử lý game local, đưa người chơi đến với tương lai chơi game đám mây, mọi thứ được giải quyết trên máy chủ. Nhờ cloud gaming, Project Q sẽ là một thiết bị đủ để họ cạnh tranh với Xbox Game Pass và Xbox Cloud Gaming, hai dịch vụ của Microsoft đang chứng tỏ Sony đang hụt hơi trong cuộc đua hướng tới tương lai 5 hay 10 năm nữa.
Quảng cáo
Sở hữu màn hình đủ lớn, cùng tay cầm được coi là ấn tượng nhất trên thị trường hiện giờ, có cả haptic feedback lẫn adaptive trigger, khi Sony có một dịch vụ cho phép anh em bỏ tiền hàng tháng chơi những game độc quyền xuất sắc của họ mà không cần mua máy console rời, Project Q hoàn toàn có cửa để trở thành thiết bị chủ lực của Sony, doanh số vượt xa máy PS5, hay thậm chí là PS6 trong khoảng 4, 5 năm nữa.
Một thiết bị mà mình mạnh dạn đoán giá sẽ dao động từ 299 đến 349 USD, dựa vào thị trường thiết bị handheld hiện tại, nếu kết hợp với một dịch vụ PlayStation Plus stream mọi game hay của Sony qua máy chủ đám mây, thì coi như tương lai của Sony Interactive Entertainment sẽ được củng cố trong rất nhiều năm tới.
Như đã nói, Sony đang dè dặt, vì cách truyền tải thông điệp của họ về những gì Project Q có thể làm được đến cộng đồng gamer đang gặp vấn đề. Rất có thể họ không muốn đưa ra những lời hứa mà họ chưa chắc đã thực hiện được đúng hẹn. Thành ra, màn giới thiệu ngắn của Project Q rạng sáng nay theo giờ Việt Nam đang khiến cộng đồng gamer, đặc biệt là các fan của PlayStation, trong đó có cả mình, nghĩ rằng Project Q chỉ là một sản phẩm ăn theo sức hút của những thiết bị gaming handheld ra mắt gần đây, nhận được sự quan tâm của đông đảo người chơi.
Nhưng nếu xét một cách công bằng, Project Q, nếu được khai thác một cách thông minh, sẽ là một chiếc máy game đủ sức tạo ra nền tảng cho Sony bước vào tương lai của ngành game. Chỉ cần Project Q, và một gói cước cloud gaming từ Sony, tất cả sẽ không phải lo chuyện bỏ một khoản tiền lớn để mua máy console, rồi mua game, rồi thì phải tính mua TV, hay setup máy ở phòng khách như thế nào…
Là một fan của PlayStation, mình rất muốn Sony thành công, nên mình rất muốn quan điểm của mình sau này bị chứng minh là sai. Nhưng đó là chuyện sau này. Còn ở hiện tại, Project Q là một thiết bị đầy tiềm năng, nhưng đang bị thiết kế để phục vụ một nhu cầu chẳng mấy người cần. Nếu Sony không tìm được cách thay đổi cách suy nghĩ này của khách hàng và cộng đồng gamer, Project Q sẽ lại trở thành một thất bại khác, hệt như PS Vita của hơn 1 thập kỷ trước.