Bên trong đế chế phần mềm cheat lớn nhất hành tinh, doanh thu hơn 70 triệu USD

P.W
11/6/2021 10:37Phản hồi: 63
Bên trong đế chế phần mềm cheat lớn nhất hành tinh, doanh thu hơn 70 triệu USD
Lập trình viên giấu tên được tờ Vice đặt tên hiệu là Catfish, vào thời điểm đêm ngày 20/01/2021 vừa rồi đã dừng việc bán phần mềm gian lận trong tựa game nổi tiếng PUBG MobileTrung Quốc, sau khi 2 người đồng nghiệp của anh bất ngờ biến mất. “Khách hàng”, những người chơi thích gian lận, vô cùng tức giận. Đến sáng ngày 20/01, Catfish dậy sớm, và nhìn thấy một dòng tin nhắn từ một trong hai người đồng nghiệp kể trên, vốn chỉ được biết qua mạng internet với bí danh IIIIIIIII, nói rằng anh ta phải đến Thượng Hải gấp.

Đầu tiên, Catfish thấy khó hiểu vì thông thường, những người thuộc đường dây viết và phân phối phần mềm cheat game này luôn báo trước cho nhau những kế hoạch của họ từ khá sớm, nhưng “sau đó tôi kết nối mọi chuyện với nhau và bắt đầu hoảng loạn,” anh ta nói.

Ngay lập tức, Catfish xóa hết những máy chủ dùng để phân phối phần mềm cheat, rồi lấy búa đập hát hết những SSD và HDD “có thể chứa những tài liệu liên quan đến phần mềm.” “Tôi quá hoảng loạn nên đập hết mọi con chip trong chiếc ổ cứng. Rồi sau đó tôi lái xe đến một nơi cách nhà mình vài km và vứt chúng đi.”

Tinhte_Cheat2.jpg

Hóa ra, IIIIIIIII và người “đồng nghiệp” bán cheat còn lại của Catfish đã bị cảnh sát Trung Quốc bắt vào ngày 20/01 và 12/01. Phía cơ quan công an làm việc cùng với Tencent, nhà phát hành PUBG Mobile, và là kết quả của cuộc điều tra suốt từ tháng 3/2020, thời điểm Tencent báo cáo trang web bán phần mềm gian lận của Catfish lên cơ quan công an nước này. Việc hai người thân cận nhất bị bắt khiến Catfish hoảng sợ, và ép anh ta phải đóng cửa trang web, dừng bán phần mềm rồi đi trốn.


Đầu tháng 04, nếu anh em đã đọc tin, cảnh sát Côn Sơn, Trung Quốc công bố bắt giữ hai người bán phần mềm gian lận, gọi tên là He và Wang, trong nỗ lực triệt phá đường dây viết và phân phối phần mềm cheat khổng lồ mà cơ quan chức năng gọi là “Đùi Gà”. Theo họ, đường dây này đã thu về 77 triệu USD chỉ bằng việc bán cheat cho mọi người. Wang dù có mức lương chỉ vào khoảng 462 USD mỗi tháng, nhưng lại sở hữu rất nhiều xe sang, từ Ferrari đến Lamborghini, cùng lượng Bitcoin trị giá khoảng 4 triệu USD. Hai cá nhân này bị buộc tội kinh doanh và vận hành đường dây, chia sẻ lợi nhuận, kiếm tiền và liên hệ với Catfish để phân phối cheat game. Còn họ He, theo nhà chức trách, chính là người có bí danh IIIIIIIII trên mạng internet.

[​IMG]

Dù vậy, đầu não của toàn bộ đường dây này vẫn là Catfish, và câu chuyện anh này chia sẻ với Vice đã hé lộ một ngành kinh doanh phi pháp nhưng thu về hàng triệu USD doanh thu. Và đến tận ngày hôm nay, Catfish vẫn đang bị cảnh sát Trung Quốc truy nã.

Gian lận trong game luôn là một chủ đề nóng đối với người chơi game online. Những phần mềm gian lận trong những game như PUBG, Warzone, Apex Legends hay CS:GO thường cho phép kẻ gian lận nhìn xuyên tường hoặc tự động ngắm vào đối thủ, nói cách khác là không cần kỹ năng vẫn có thể giành chiến thắng. Đối với các nhà phát triển game, đây là một vấn đề rất “tốn tiền”, vì đặc biệt đối với những tựa game miễn phí, tình trạng gian lận tràn lan sẽ khiến cộng đồng chán nản, bỏ game, và từ đó doanh thu từ đồ ảo cũng sẽ biến mất. Những tựa game như vậy với mô hình free to play luôn cần lượng người chơi dồi dào và nhiệt thành, giữ chân họ trong game càng lâu thì khả năng họ mua đồ ảo cũng sẽ cao hơn.

Nhưng nếu gặp hack cheat nhiều quá, nản âu cũng là chuyện đương nhiên.

Tinhte_Cheat10.jpg

Bất chấp nỗ lực của các hãng game và thậm chí là của cả các cơ quan có thẩm quyền, gian lận vẫn là vấn đề rất nóng vì luôn có người sẵn sàng bỏ tiền mua những phần mềm cheat có thể qua mặt các hệ thống nhận diện trong game. Bảy năm về trước, một lập trình viên đã lên tiếng khoe rằng mình kiếm được 1.25 triệu USD một năm nhờ việc bán phần mềm gian lận. Gần đây có một người khác nói đã kiếm sống 20 năm nay chỉ bằng việc viết cheat và lợi dụng lỗ hổng của game. Những hãng game đã nhiều lần kiện những trang web chia sẻ phần mềm gian lận, đòi bồi thường hàng chục triệu USD.

Tinhte_Cheat3.jpg

Quảng cáo



Tính riêng ở Trung Quốc, viết phần mềm gian lận trong game được quy vào nhóm tội danh tấn công mạng. Năm ngoái, chính quyền nước này đã kết án 5 người với bản án từ 6 đến 9 tháng tù giam vì viết và bán phần mềm cheat cho PUBG Mobile. Đầu năm nay, một người nữa bị kết án 3 năm tù và phạt khoảng 15.000 USD cũng vì tội danh tương tự. Theo thông tin chính thức, người này bị kết tội tấn công và điều khiển trái phép hệ thống máy tính.

Theo số liệu của Statista, ở Trung Quốc hiện tại có hơn 650 triệu người chơi game mobile, biến thị trường tỷ dân trở thành “thị trường game mobile tiềm năng nhất hành tinh.”

Tinhte_Cheat4.jpg

Tencent, tập đoàn trị giá 890 tỷ USD thời gian qua đã cố gắng làm mọi cách để tận diệt những đơn vị phát hành phần mềm gian lận trong những game mà họ phát hành. Tuy nhiên, người phát ngôn của Tencent từ chối bình luận và cung cấp cho Vice những chi tiết về cuộc điều tra đường dây của Catfish, thứ mà họ hợp tác cùng công an thành phố Côn Sơn, Trung Quốc tiến hành. Trên báo chí và mạng xã hội Trung Quốc, ngay sau khi công an Côn Sơn bắt giữ vài người trong đường dây của Catfish, Tencent đã đến tặng họ một tấm bảng vàng viết những chữ “Đánh như sấm, thu sạch lưới, trấn áp những hoạt động phi pháp, cùng nhau quản lý.”

Tinhte_Cheat5.jpg

Tencent và nhà chức trách gọi đường dây này là “Đùi Gà”, vì icon của phần mềm cheat, dựa trên cảm hứng của câu nói “Winner Winner Chicken Dinner” khi một người chơi lọt top 1 mỗi trận đấu PUBG. Nhưng cái tên chính thức của đường dây mà Catfish cai quản đầu tiên là Sharpshooter, và gần đây đổi thành Cheat Ninja. Ngay cả trước khi đổi tên, cheat của Catfish viết cũng đã rất nổi tiếng, và có lẽ đây chính là người kiếm ra nhiều tiền nhất từ việc viết phần mềm gian lận.

Quảng cáo



“Có những lập trình viên tôi biết kiếm được hơn 2 triệu USD một tháng. Như thế nghĩa là 24 triệu USD một năm. Chỉ cần làm 3 năm là có thể nghỉ hưu non được rồi,” Một lập trình viên làm việc cho một công ty phát hành game xin giấu tên chia sẻ. Một người khác đồng ý với nhận định này, viện ra ví dụ LeagueSharp, một đơn vị cung cấp phần mềm gian lận game Liên Minh Huyền Thoại. Riot Games kiện họ và đòi bồi thường 10 triệu USD, và con số này dựa trên doanh thu mà những lập trình viên viết cheat kiếm được.

Catfish từ chối cung cấp con số cụ thể về số tiền mình kiếm được từ đường dây viết và phân phối cheat, nhưng cho rằng con số 77 triệu USD là tương đối chính xác, nếu tính cả giá trị Bitcoin tăng trong quãng thời gian vừa rồi. Ngần ấy là quá đủ để anh ta nghỉ hưu ngay bây giờ.

Tinhte_Cheat6.jpg

Catfish chưa bao giờ nghĩ phần mềm anh ta viết lại nổi như cồn đến vậy, hoặc có thể khiến anh ta giàu sụ như thế, hoặc thậm chí là biến mình trở thành mục tiêu bị cảnh sát Trung Quốc đưa vào tầm ngắm. Mọi chuyện bắt đầu khi anh chàng lập trình viên này tò mò và bắt đầu viết phần mềm gian lận vào năm 2017. Khi ấy, anh cùng bạn bè gặp rất nhiều kẻ gian lận trong PUBG bản trên PC. Vậy là anh cũng tự viết tool để đấu thắng được bọn gian lận đó. Đến khi Tencent ra mắt PUBG Mobile trên điện thoại, Catfish cũng dần chuyển dịch sang viết phần mềm cheat cho nền tảng game mới.

Thông qua diễn đàn cho những lập trình viên có chung mục tiêu, Catfish tìm được đối tác phân phối tác phẩm của mình. Ở Trung Quốc, phần mềm cheat được tải về miễn phí, nhưng phải lên các trang web “key net” để mua key kích hoạt, giống hệt như cách ngày xưa anh em mua tool cắm auto Võ Lâm Truyền Kỳ. Những công cụ gian lận ấy cũng có thể được chia sẻ qua những nhóm trên WeChat hoặc những diễn đàn riêng. Catfish nói: “Công cụ đó quá thành công. Chỉ vài ngày đã bán được hàng nghìn bản. Mọi người chưa bao giờ nhìn thấy loại công cụ gian lận nào như thế trên di động. Tôi nghĩ chúng tôi đã kiếm được hàng vạn Tệ chỉ chưa đầy 1 ngày.”

Thành công ấy nhanh chóng biến thành sự hoang mang, khi cả Catfish lẫn những người đồng nghiệp đều lo lắng mình sẽ lọt vào tầm ngắm của cơ quan công an. Và Catfish cũng sớm nhận ra rằng, viết phần mềm cheat là cuộc đua mèo đuổi chuột không bao giờ có điểm dừng để qua mặt được những giải pháp nhận diện gian lận mà Tencent đưa vào game.

Nhưng số tiền là quá lớn để anh ta dừng lại.

Tinhte_Cheat7.jpg

Khi ấy, Catfish thu của người dùng từ 10 đến 15 USD mỗi tháng dùng phần mềm gian lận. Nó được bán theo tháng vì Catfish liên tục cập nhật và hỗ trợ người dùng, sau khi game phát hiện ra có sự can thiệp từ phần mềm thứ ba, lập trình viên sẽ liên tục phải cập nhật để không bị phát hiện nữa. Nhờ đó, Catfish cùng những người đồng nghiệp lôi kéo được cả nghìn người dùng đăng ký mới mỗi ngày, quy đổi ra doanh thu là ít nhất 350.000 USD mỗi tháng. “Con số này hoàn toàn không phải con số bình thường. Tôi nghĩ rằng đạt được số tiền đó đơn giản vì giải pháp của chúng tôi là tốt nhất cho tựa game phổ biến nhất thị trường.”

Ban đầu, phần mềm Cheat Ninja chạy trên môi trường giả lập, nhưng đến giữa năm 2019, Catfish buộc phải viết phần mềm yêu cầu người dùng phải root máy Android để tránh bị phát hiện. Cũng trong giai đoạn này, những người Trung Quốc bắt đầu tìm được mối để bán phần mềm gian lận sang các nước khác, từ Ấn Độ, Kuwait, UAE, Ả Rập Xê Út và Ai Cập, những thị trường lớn của PUBG Mobile. Catfish cùng bạn mình phát triển phần mềm, rồi giao cho các đối tác và reseller phân phối. Nhưng sau đó Catfish tự mở trang web riêng, CheatNinja.com để phô bày những tác phẩm hỗ trợ những kẻ thích gian lận. Trên đó là những phần mềm không chỉ phục vụ cho đám cheater trong PUBG Mobile, mà còn cả Call of Duty Mobile, Fortnite hay nhiều game khác đánh vào thị trường thế giới.

Tinhte_Cheat8.jpg

Doanh thu khi ấy đã trở về con số ổn định trước khi Catfish đòi người dùng phải root máy Android, tức khoảng 400.000 USD mỗi tháng.

Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, đến năm 2020, mọi chuyện trở nên khó khăn. PUBG Mobile không còn hot như trước kia nữa, và Tencent cùng công an Trung Quốc liên tục có những động thái triệt phá những đường dây viết và phân phối phần mềm gian lận. Catfish nói: “Tôi luôn biết họ đang đưa chúng tôi vào tầm ngắm. Họ liên tục bắt các reseller của chúng tôi.”

Mọi thứ chỉ thực sự sụp đổ vào tháng 1/2021. Ngày 12/1, cảnh sát bắt giữ Wang, và đến ngày 20/1, He (IIIIIIIII) cũng sa lưới pháp luật. Ngày 20/1, Catfish hoàn toàn không biết gì về việc bắt giữ, nhưng những tin nhắn mà IIIIIIIII gửi cho anh ta rất kỳ quái, dường như có ai khác nhắn tin chứ không phải người đồng nghiệp đã quen. Catfish nói chuyện với những người khác trong đường dây và có được cảm giác tương tự, một người còn bị IIIIIIIII nhờ click vào một đường link Taobao để mua giùm một món đồ. Sau đó Catfish kiểm tra IP lúc IIIIIIIII đăng nhập vào Cheat Ninja, nhận ra rằng anh ta đang đăng nhập từ một dải IP thuộc tỉnh Giang Tô, gần Thượng Hải. Lúc ấy, Catfish đã bắt đầu nghi ngờ, vì đồng nghiệp của anh ta luôn dùng proxy để vào diễn đàn. Thêm nữa, vài reseller trước đó cũng đã bị bắt giữ ở Giang Tô.

“Và rồi tôi kết nối mọi chuyện với nhau. Tôi đảo lại vài tháng log chat để chắc chắn rằng mình không để hớ điều gì trên mạng.” Và khi Cheat Ninja bị đóng, Catfish cho biết khi ấy đang có khoảng 600.000 người dùng cheat trả tiền hàng tháng, một con số khổng lồ. Theo vài nguồn thạo tin, con số đó có vẻ đáng tin cậy, vì đường dây của Catfish hoạt động ở thị trường game lớn nhất hành tinh.

Tinhte_Cheat9.jpg

Kể từ đó, Catfish im hơi lặng tiếng. Còn trong lúc đó, những phần mềm gian lận khác giả mạo Cheat Ninja liên tục xuất hiện. Một lập trình viên có vẻ ở Kazakhstan viết một phần mềm đặt tên là Cheat Ninja Sharpshooter, với hơn 100.000 lượt tải về trên Android, thu từ 3.99 đến 20.99 USD một tháng tùy tính năng. Một reseller khác ở nước ngoài, Md Samad, từng làm việc với Catfish cũng đã mở một trang web giống hệt từ thiết kế đến cái tên để tiếp tục bán cheat. Md Samad hoàn toàn không biết Catfish là ai, một minh chứng hoàn hảo cho mô hình rất kín kẽ của đường dây này: “Không ai biết nhau cả, họ sống trong bí mật.”

“Chúng tôi hiểu rõ nguy cơ tiềm ẩn của việc viết phần mềm gian lận định hướng tới những game Trung Quốc ngay từ đầu, và rất cẩn thận trong việc bảo vệ danh tính của chính bản thân mình. Chúng tôi biết đây là một mối làm ăn nguy hiểm, nên biết càng ít về nhau càng tốt.”

Sau khi Cheat Ninja đóng cửa, Catfish đòi tiếp tục viết phần mềm gian lận dưới một cái tên khác, một cách trả thù Tencent và cơ quan chức năng: “Tôi muốn phá hoại trò chơi của họ, đánh thẳng vào doanh thu của họ.” Nhưng chỉ vài ngày sau, anh ta đổi ý: “Tôi dừng viết cheat để bán đây. Tôi không cần kiếm tiền qua cái cách này nữa, quá nhiều căng thẳng khi làm việc để qua mặt hệ thống anti-cheat, đối thủ cạnh tranh, những kẻ lừa đảo,… ấy là chưa kể đến cảnh sát nữa. Giờ nếu có viết thì tôi viết để tự tôi và vài người bạn dùng trong game thôi."

Quan trọng hơn cả, Catfish muốn bỏ thêm thời gian để thực sự thưởng thức những trò chơi mà anh đã bỏ lỡ: CSGO, Valorant, Cyberpunk 2077, Hitman và Final Fantasy. “Viết cheat kiếm tiền lâu quá, không còn cả thời gian để thực sự tận hưởng những trò chơi nữa,” lập trình viên này chia sẻ.

Theo Vice
63 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

becoivn
ĐẠI BÀNG
3 năm
doanh thu nhiều như bán thuốc thì khó bỏ lắm
Mạnh™
ĐẠI BÀNG
3 năm
@NguyễnXuânBằng Luật có nghiêm đến mức tử hình mà kiếm ăn ngon thì vẫn làm thôi. Vấn đề chính vẫn là có người nhu cầu thì với có người cung. Không bao giờ hết đc đâu
Cười vô mặt
ngocdoai9999
ĐẠI BÀNG
3 năm
@NguyễnXuânBằng Nhưng phải giỏi
@ngocdoai9999 Làm Cheat thì phải thật giỏi, còn làm lang băm như ở VN thì không cần.
@Mạnh™ Cái này thì công nhận. Dính vào ma túy là phải dựa cột, nhưng lợi nhuận quá cao nên vẫn khối thằng làm.
vn_soft
CAO CẤP
3 năm
Kiếm được vài triệu $ nhưng nhất quyết không bỏ nghề
matrix8145
TÍCH CỰC
3 năm
“ đòi bồi thường hàng chục USD.” nhiều thế này đi tù cho rồi giả sao nổi he he @P.W
@matrix8145 dài quá ngọng tí =)) huhu
namprince187
ĐẠI BÀNG
3 năm
lợi nhuận thực sự kinh khủng, nhưng có mấy người được như Catfish đâu
pikupi
TÍCH CỰC
3 năm
@namprince187 đúng kiểu có tài và có đầu óc kinh doanh nữa, hơn tụi hacker nhiều.
hppl
TÍCH CỰC
3 năm
do luật ko nghiêm thôi ,chứ thay đổi luật bỏ tù ít nhất vài chục năm là chả thằng nào dám làm
@hppl Bán ma túy tử hình luôn mà có ai từ bỏ đâu
@hppl Bán ma tuý bị tử hình nó còn hok sợ nói gì game
Im lặng đi
Khủng khiếp thật, ko ai nghĩ đến việc này.
Rất nể mí a bạn này 😆 haha
db9911
TÍCH CỰC
3 năm
Làm ra tiền não nó bơm adrenalin liên tục phê hơn chơi thuốc. tôi nghĩ sớm muộn hắn cũng quay lại làm và dính bẫy của ông can =)).
Giàu thế sao tránh được
CA Côn Sơn gà nhỉ. 😂
Chị na, nơi đào tạo những pháp sư đẳng cấp thế giới 🤣
@LocNguyen6495 pháp sư kinh lắm huhu T_T
@LocNguyen6495 Pháp sư trung hoa 🤣
và giờ anh giàu quá rồi
Thu nhập 460$ 1 tháng mà chơi toàn Ferrari với Lambo.
@hackieuhay Đừng hỏi lương hãy hỏi lậu 🤣
@hackieuhay Lương mấy chú xã tôi có 7-8tr/tháng thôi nhưng lên làm chủ tịch xã 2-3 năm là xây nhà 5-7 tỏi rồi. Mấy chú ấy làm kinh tế giỏi lắm nhá.
Thik khoe mẽ xài xe sang thì chỉ có chết. May ra qa VN sống thì ko bị bắt rồi.
@Minhhien.chef Ở VN giàu bất thường cũng dính chưởng hết =))
@Minhhien.chef Bạn sai rồi
Im lặng đi
@Minhhien.chef Tấm chiếu mới này chưa đọc trường hợp của văn kính dương ròi
@Minhhien.chef Đùa, muốn cao muốn to thì phải có gốc, gốc càng to thì càng thọ!
=_____= người mua cũng ác thật
Biết chơi mỗi lmht .......😁
Số tiền các hacker kiếm được sao bằng số tiền mà nhà sản xuất thiệt hại
k biết game đột kích của VN còn bị k, chứ chơi cũng vui
@whatwhenwhere Game bắn súng không bao giờ hết được bạn, nó là loại dễ cheat nhất mà.

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019